Năng suất lao động là số sản phầm/ dịch vụ đạt tiêu chuẩn làm ra tăng thêm trong một đơn vị thời gian nhất định. Chi phí cho mỗi sản phẩm giảm đi khi năng suất lao động tăng lên.
Nguyên nhân gây ra năng xuất lao động kém?
1. Thái độ của người thực hiện đối với sản phẩm/dịch vụ của mình
Trong ASK (thái độ – kiến thức – kỹ năng) thì yếu tố thái độ được cho là quan trọng nhất. Đó chính là cách họ nhìn nhận và thực hiện công việc. Một người làm việc với niềm yêu thích, say mê, trú trọng… sẽ cho ra chất lượng, năng suất lao động khác hẳn người “làm chỉ để cho xong việc”, cái sự qua loa, đại khái và coi đó “như việc của người khác, không phải là của mình”.
2. Năng lực tổ chức công việc
Năng lực tổ chức công việc thể hiện ở sự khoa học khi bố trí sắp xếp công việc; thực hiện quỹ thời gian cũng như quản lý được những rủi ro trong quá trình thực hiện. Đảm bảo công việc vẫn “chạy” dù có yếu tố “khách quan” nào đi nữa. Điều này giải thích tại sao có người chỉ trong 1 giờ đã nấu xong bữa ăn đầy đủ 3 món: mặn, xào, canh và còn “khuyến mại” thêm món tráng miệng. Nhưng cũng có người toát mồ hôi hột mới xong món trứng rán.
3. Chất lượng của quy trình
Quy trình không được thực hiện đầy đủ; Chưa đưa ra được tiêu chuẩn cụ thể cho từng bước của quy trình; tiêu chuẩn đó không chỉ liên quan đến tiến độ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm/ dịch vụ.
Ví dụ: trong quy trình gói bánh chưng, cần đưa ra tiêu chuẩn của “bước” ngâm gạo; nhiệt độ ngâm, thời gian ngâm… nếu thực hiện sai các tiêu chuẩn này, ắt hẳn bánh sẽ bớt ngon hoặc thậm chí phải hủy bỏ nguyên liệu.
4. Không thuần thục trong kỹ năng
Chưa được “rèn luyện” nhiều qua thực tế nên có thể “lúng túng” làm cho năng suất lao động kém. Cũng là ví dụ trong việc gói bánh, nếu như ngày nào anh cũng gói, đôi tay dần dần trở nên khéo léo thoăn thoắt và sẽ “tạo” ra nhiều bánh “chuẩn” hơn so với “người tập sự”.
5. Sự chú tâm vào công việc
Làm bất kỳ việc gì, nếu không chú tâm sẽ dễ xao nhãng và dẫn đến hỏng việc, chất lượng sản phẩm giảm hoặc hỏng, năng suất lao động vì thế sẽ không cao. Mặc dù có thể người đó rất thành thạo trong công việc, quy trình cũng rất chuẩn.
Hiểu được các nguyên nhân trên, thì việc đưa ra các giải pháp để nâng cao năng suất lao động trở nên thật dễ dàng phải không? Chúng ta chỉ việc “tư duy” trước khi thực hiện; có thái độ tốt với công việc và liên tục cải tiến quy trình cắt bỏ những công đoạn thừa.
Thái độ tốt, nắm rõ công việc, kỹ năng thành thạo, chú tâm trong thực hiện và cải tiến công việc. Đây là yếu tố cốt lõi để nâng cao năng suất lao động.