Menu

Hội thảo KH quốc gia về “Số hoá trong nghiên cứu cơ bản & ứng dụng và công nghệ hoá học”

Hội thảo KH quốc gia về

Sáng ngày 7/10/2022 DS. NGUYỄN XUÂN HOÀNG đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề Ứng dụng Chuyển đối số trong TPCN tại Hội thảo KH quốc gia về “Số hoá trong nghiên cứu cơ bản & ứng dụng và công nghệ hoá học” diễn ra tại ĐH Huế.
Bài trình bày của anh NGUYỄN XUÂN HOÀNG tập trung làm rõ tình hình thực hiện chuyển đổi số tại Việt nam và các thành tựu và ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và phân phối TPCN. Theo anh NGUYỄN XUÂN HOÀNG, hoạt động chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, các quốc gia dẫn đầu gồm có Hoa Kỳ, Nhật Bản ,Hàn Quốc, Singapore, Đức, Trung Quốc … Năm 2021 tăng trưởng GDP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã đạt tới 60% nhờ các hoạt động kinh tế dựa trên chuyển đổi số. Chuyển đổi số cũng tác động tới 35% GDP của Brazil và 36% của EU. Có tới 44% các doanh nghiệp châu Á cho biết họ đo lường được mức độ thành công hơn trong kinh doanh sau khi áp dụng chuyển đổi số.

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng nhanh chóng nhận định được vai trò của Chuyển đổi số với việc đưa ra “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030”, trong đó nêu rõ 5 mục tiêu lớn gồm:
⁃ Việt Nam có kinh tế số chiếm 20% GDP
⁃ Tỷ trọng kinh tế số ở mỗi ngành tối thiểu 10%
⁃ Năng suất lao động tăng tối thiểu mỗi năm 7%
⁃ Việt Nam thuộc nhóm tốp 50 quốc gia dẫn đầu về CNTT
Trên thực tế, theo anh NGUYỄN XUÂN HOÀNG, hiện tại nước ta chuyển đổi số cũng đã và đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực của đời sống, nhanh nhất là các lĩnh vực giáo dục, y tế, viễn thông, ngân hàng, vận tải … Các kết quả đã đạt được cũng rất đáng khích lệ với 98% doanh nghiệp có sự thay đổi về hoạt động sản xuất kinh doanh, 71% tỷ lệ chi phí giảm thiểu sau khi áp dụng chuyển đổi số, 45,3% doanh nghiệp đã nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.

DS NGUYỄN XUÂN HOÀNG giới thiệu tổng quan ngành TPCN

Tuy vậy tốc độ chuyển đổi còn chưa đáp ứng kỳ vọng, còn nhiều khó khăn vướng mắc. Cụ thể, các doanh nghiệp ở VN còn gặp khó khăn về công nghệ khi thiếu kiến thức, thiếu nền tảng CNTT và thiếu nhân lực. Khó khăn tiếp theo là vốn đầu tư khi 55,6% doanh nghiệp có rào cản khi thực hiện Chuyển đổi số – theo VCCI. Ngoài ra một khó khăn rất quan trọng là rào cản văn hoá doanh nghiệp khi thực hiện, bao gồm tư duy nhà quản lý/ban lãnh đạo và khó khăn đến từ văn hoá truyền thống của doanh nghiệp. Thực tế, anh NGUYỄN XUÂN HOÀNG cho hay, có tới 82% doanh nghiệp Việt mới đang ở vị trí mới bắt đầu với chuyển đổi số, 61% doanh nghiệp chưa sẵn sàng, chỉ có 21% có hoạt động chuẩn bị chuyển đổi số, và có tới 16/17 ngành sẵn sàng chuyển đổi số ở mức thấp.

Bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số nhằm bắt kịp xu thế chung của thế giới trong bối cảnh thời đại công nghệ 4.0 đã đến giai đoạn cao trào. Cụ thể, theo anh NGUYỄN XUÂN HOÀNG, Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu năng suất làm việc của nhân viên, gia tăng chất lượng sản phẩm, thúc đẩy hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Với người tiêu dùng , chuyển đổi số cũng mang lại nhiều lợi ích thiết thực, điển hình như việc được trải nghiệm các dịch vụ ngày càng thuận tiện, nhanh chóng, các giao dịch hoàn toàn thực hiện qua mạng. Điều này càng trở lên quan trọng sau thời kỳ đại dịch, khi con người hạn chế các hoạt động phải đến tận nơi thực hiện.
DS NGUYỄN XUÂN HOÀNG cũng chỉ ra những tác động tích cực đối với chính phủ khi chuyển đổi số với việc thay đổi trải nghiệm với dịch vụ công, thay đổi nghiệp vụ và mô hình cũng như phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước.

Quay lại với ngành TPCN, DS NGUYỄN XUÂN HOÀNG đã chia sẻ các hoạt động chuyển đổi số điển hình đã được áp dụng. Cụ thể là khối nghiên cứu thuộc hệ thống IMC đã thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) với việc hệ thống hoá toàn bộ các thông tin về nguyên liệu/dược chất sử dụng (liều lượng, tác dụng, tương tác, tương kỵ, độ ổn định…), thông tin về sản phẩm (công thức, lịch sử nghiên cứu, triển khai sản xuất, độ ổn định, nhà sản xuất, nhà cung cấp…) cũng như các dữ liệu khác về nhân sự, hệ thống, nghiệp vụ, văn bản tài liệu… nhằm phục vụ cho quá trình nghiên cứu và triển khai trên qui mô sản xuất nói riêng cũng như các công việc khác của khối nói chung. Cùng với quá trình này, khối nghiên cứu cũng đã chú trọng tới bảo mật dữ liệu hệ thống với nhiều công cụ tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu chia sẻ, lưu trữ thông tin trong nội bộ khối nghiên cứu cũng như trong khối nghiên cứu với các đối tác bên ngoài mà vẫn đảm bảo tính bảo mật, khả dụng và toàn vẹn của thông tin. Trên cơ sở đó, dữ liệu lớn sẽ từng bước được sử dụng cho quá trình huấn luyện trí thông minh nhân tạo (AI) (deep learning và machine learning), từ đó hỗ trợ cho quá trình xây dựng công thức, triển khai sản xuất, lập các dashboard báo cáo thích hợp, dự đoán và phòng ngừa rủi do, tư vấn tối ưu hóa các qui trình của phòng nghiên cứu…Kết qủa là rút ngắn quá trình nghiên cứu và triển khai sản xuất, nâng cao hơn nữa chất lượng và độ ổn định của sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu, giảm giá thành sản xuất, nâng cao trải nghiệm của nhân viên và khách hàng, xây dựng IMC trở thành thương hiệu đi đầu trong quá trình chuyển đổi số.

DS NGUYỄN XUÂN HOÀNG giới thiệu dự án chuyển đổi số trong R&D của hệ thống IMC

Bên cạnh các ứng dụng trong nghiên cứu, một đơn vị phân phối của hệ thống IMC là VNL cũng đã và đang triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của đơn vị. Cụ thể như ứng dụng hệ thống quản lý Base trong công việc giúp lập kế hoạch thông minh, tổ chức công việc và phân bổ nguồn lực hiệu quả trên một nền tảng hợp nhất, giúp phối hợp và phân chia công việc, data-driven giúp báo cáo minh bạch, rõ ràng … Đặc biệt các sự kiện của công ty như hoạt động đào tạo và tôn vinh khách hàng đã hoàn toàn được thực hiện online với sân khấu 3D.
Một đơn vị khác là Viện TPCN (VIDS) cũng đã bắt kịp xu hướng khi triển khai tour tham quan 360 độ giúp khách hàng và người tiêu dùng trong và ngoài nước được tận mắt ngắm nhìn cơ sở vật chất cũng như quá trình nghiên cứu ra sản phẩm mà không cần đến tận nơi.
Cuối bài trình bày, DS NGUYỄN XUÂN HOÀNG một lần nữa nhấn mạnh việc chuyển đổi số trong các lĩnh vực bao gồm TPCN là cấp thiết và sống còn, và khẳng định chuyển đổi số nhanh sẽ tạo cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu một cách hiệu quả.

IMC

 

Nguồn: Thu Trang (NTL)