Khi bạn muốn kinh doanh khởi nghiệp về sản phẩm thực phẩm chăm sóc sức khỏe hoặc mỹ phẩm, phát triển một sản phẩm hay một dòng sản phẩm mỹ phẩm, công thức không phải yếu tố đầu tiên trong chiến lược Marketing sản phẩm. Điều đầu tiên bạn phải nghĩ tới đó là có được Concept sản phẩm. Một khi bạn đã thử Concept sản phẩm và xác định được các yếu tố mà sản phẩm, mỹ phẩm bạn lựa chọn lôi cuốn được khách hàng mục tiêu, khi đó bạn mới bắt tay vào xây dựng công thức.
Concept sản phẩm là gì?
Concept nghĩa là những ý tưởng chủ đạo và xuyên suốt trong nội dung và hình thức của chương trình marketing sản phẩm. Đó là những thông tin về đặc tính sản phẩm, khoảng giá của sản phẩm đó và những thông tin khác cần được truyền đạt tới khách hàng mục tiêu, đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng mục tiêu và ảnh hưởng đến nhận thức của khách hàng mục tiêu. Một khi đã có concept về sản phẩm, bạn sẽ bắt tay vào các bước tiếp theo để phát triển ý tưởng thành sản phẩm hoàn chỉnh và đưa ra thị trường.
Các bước xây dựng Concept sản phẩm
Các bước cơ bản để xây dựng Concept sản phẩm mỹ phẩm bao gồm:
- Bước 1: Phát triển ý tưởng về sản phẩm
- Bước 2: Lọc ý tưởng và phát triển ý tưởng thành Concept.
- Bước 3: Thử Concept sản phẩm với khách hàng mục tiêu và chau chuốt Concept
- Bước 4: Viết Concept sản phẩm
Chúng ta sẽ mô tả kỹ hơn từng bước để bạn có thể hình dung kỹ hơn cách thức thực hiện. Nếu bạn ở vị trí phát triển sản phẩm cho một doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm, bạn có thể áp dụng các bước xây dựng Concept sản phẩm để thực hiện các dự án. Nếu bạn là một Start-up muốn bắt đầu phát triển một dòng sản phẩm mỹ phẩm của riêng mình, bạn có thể áp dụng quy trình xây dựng Concept này để có được những ý tưởng sản phẩm có thể dễ dàng phát triển thành một sản phẩm mỹ phẩm hoàn chỉnh.
Phát triển ý tưởng sản phẩm
Có nhiều cách để phát triển ý tưởng cho một sản phẩm mỹ phẩm mới, nhưng bạn có thể bắt đầu với những điểm mới của sản phẩm. Bạn có thể dùng phương pháp brainstorming trong nhóm, phương pháp bản đồ tư duy hoặc bất kỳ phương pháp ứng dụng công nghệ để phát triển các ý tưởng sáng tạo cho sản phẩm mới. Trong quá trình đó, bạn luôn phải tập trung vào yêu cầu tạo ra sản phẩm có những điểm khác biệt, độc đáo. Ví dụ như:
- Sản phẩm giải quyết những vấn đề lớn về tóc và da mà các sản phẩm khác chưa làm được.
- Tạo ra những dạng bào chế mới từ các sản phẩm truyền thống.
- Sử dụng những dạng bao bì mới.
- Tạo ra những sản phẩm cho các thị trường ngách chưa được khai thác.
Lọc ý tưởng và phát triển ý tưởng thành Concept
Sau khi phát ý tưởng, bạn sẽ lọc ra được một số ý tưởng mà bạn nghĩ có thể phát triển thành các sản phẩm mỹ phẩm mới. Tuy nhiên, trước khi bạn bắt tay vào triển khai thành các sản phẩm thực sự, bạn cần phải biết khách hàng mục tiêu nghĩ gì về những sản phẩm đó. Để làm được việc này, bạn cần sử dụng những dữ liệu bạn đang có để viết ra các bản mô tả sản phẩm và thử với khách hàng mục tiêu. Nói cách khác bạn cần phải xác định các Concept marketing cho sản phẩm.
Từ nhiều ý tưởng, bạn lọc ra một vài ý tưởng khả thi nhất. Rồi bằng một cách nào đó, bạn cần phải tinh chỉnh và chọn lựa để tạo ra những Concept tốt nhất, có khả năng tạo ra những sản phẩm thành công trên thị trường sau này.
Sau khi chọn được những Concept mà bạn nghĩ là khả thi nhất, bạn cần phải thực hiện việc thử các Concept với đối tượng khách hàng mục tiêu. Đó là một bản thông tin về sản phẩm được viết một cách dễ hiểu để các khách hàng mục tiêu có thể hiểu một cách rõ ràng những điều sản phẩm sẽ mang lại cho họ. Những bản mô tả Concept sản phẩm rất đa dạng, nhưng có thể bao gồm những điểm cơ bản sau:
- Công dụng sản phẩm – mô tả sản phẩm có những công dụng gì.
- Đặc trưng sản phẩm – mô tả những điểm nổi bật của sản phẩm
- Hình thức sản phẩm – mô tả sản phẩm tương lai trông như thế nào
- Tagline của sản phẩm – một câu ngắn gọn đi kèm sản phẩm để tạo ấn tượng khiến khách hàng mục tiêu luôn nhớ tới nhãn hàng
- Khoảng giá – Giá bán tới khách hàng mục tiêu.
Điểm cơ bản để có được bản Concept thành công là nó phải đơn giản và dễ hiểu, giải quyết được những vấn đề thực sự của khách hàng và nó phải có sự khác biệt với những sản phẩm khác đang có trên thị trường. Nếu bạn viết được một Concept tốt, bạn có thể biến những ý tưởng bình thường thành những ý thưởng tuyệt vời.
Thử và lựa chọn Concept sản phẩm
Một khi đã hoàn thành những bản mô tả Concept sản phẩm, bước tiếp theo bạn phải thực hiện là thử phản ứng của khách hàng mục tiêu với những Concept đó để xem phản ứng của khách hàng thích hay không thích sản phẩm, họ sẽ mua sản phẩm hay họ đang chưa thích điểm nào của sản phẩm. Các khách hàng được hỏi ý kiến được lựa chọn trong nhóm khách hàng mục tiêu của sản phẩm và những người sẽ tạo ra công thức sản phẩm tương lai được mời ngồi nghe phản hồi của khách hàng về Concept sản phẩm. Khách hàng mục tiêu được mời thực hiện đánh giá theo từng nhóm với số lượng khác nhau. Thực hiện xin ý kiến đánh giá 1 khách hàng duy nhất, thực hiện theo nhóm từ 3 đến 10 khách hàng phản hồi về các concept cùng một lúc.
Bạn cũng có thể thực hiện việc thử Concept sản phẩm với những nhóm khách hàng mục tiêu qua hình thức online nếu bạn lựa chọn được nhóm khách hàng mục tiêu tin cậy. Nhiều nhãn hàng đã thành công với hình thức thử Concept sản phẩm online.
Kết quả của việc thử Concept sản phẩm là những thông tin bạn thu được, ví dụ như khách hàng mục tiêu thích hay không thích sản phẩm, họ có sẵn sàng mua sản phẩm, với giá nào họ sẵn sàng chi trả và cuối cùng là bạn có nên phát triển và đưa sản phẩm ra thị trường hay không.
Thông thường, việc thử Concept sản phẩm được thực hiện 2 vòng. Vòng đầu tiên thường bắt đầu với khoảng 10 đến 12 concept sản phẩm. Sau vòng 1, bạn thường chọn ra 5-6 concept đạt điểm cao nhất, sau đó các concept này được tinh chỉnh và đánh giá lại để lựa ra khoảng 3 concept được đánh giá tốt nhất. Mỗi concept có thể đại diện cho 1 sản phẩm hoặc một dòng sản phẩm. Và vì mỗi năm bạn có thể phát triển một dòng sản phẩm nên bạn hoàn toàn có thể lựa chọn trong số 3 concept được đánh giá tốt nhất.
Phát triển thành sản phẩm
Một khi đã lựa chọn được Concept sản phẩm sau khi đánh giá thị trường, bạn sẽ bắt tay vào bước tiếp theo là Xây dựng công thức và làm mẫu sản phẩm. Ở bước này, những concept được lựa chọn được chuyển sang bộ phận nghiên cứu phát triển (R&D). Nhiệm vụ của bộ phận R&D là xây dựng công thức và làm ra những sản phẩm mẫu ở quy mô phòng thí nghiệm. Sau khi sản phẩm đã đạt các tiêu chuẩn kiểm nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn công bố, các nhà máy sản xuất sẽ tiếp nhận quy trình để triển khai sản xuất hàng loạt.