Mỗi buổi sáng thức dậy bạn có đặt cho mình 3 câu hỏi quan trọng:
1. Mình muốn trở thành ai sau 5 năm nữa?
2. Mục tiêu đối với công việc hiện tại của mình là gì?
3. Mình muốn đạt được gì khi kết thúc ngày làm việc hôm nay?
Nếu bạn muốn đạt được những mơ ước hay mong muốn của mình, bạn nên lặp đi lặp lại 3 câu hỏi này mỗi ngày để viết xuống những Mục tiêu bởi nếu thiếu Mục tiêu, bạn sẽ thiếu định hướng và sự tập trung. Vấn đề là để hoành thành những Mục tiêu đó, trước hết bạn cần phải biết cách xây dựng Mục tiêu. Đó là một quá trình bắt đầu bằng những tuyên ngôn về những điều bạn mơ ước hay mong muốn và kết thúc bằng rất nhiều việc phải làm trước khi bạn chạm tới Mục tiêu.
Trong Hệ thống IMC, đối với mỗi mục tiêu viết ra bạn phải trải qua 3 bước chính:
1. Xây dựng những mục tiêu ý nghĩa và mang tính thách thức đối với người thực hiện.
2. Xác định tính SMART của Mục tiêu.
3. Thống nhất Mục tiêu với cấp trên trực tiếp.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta cùng nhau tập trung vào bước “Xác định tính SMART” của mục tiêu.
Một Mục tiêu SMART là một mục tiêu mang tính cụ thể (S-Specific), đo lường được (M-Mesurable), có khả năng thực hiện (A-Achievable), mang tính thực tế (R-Realistic) và có giới hạn thời gian (T-Timetable). Chúng ta sẽ phân tích trên một Mục tiêu cụ thể của Bộ phận Nhân sự để hiểu rõ hơn về cách xây dựng một mục tiêu SMART.
Mục tiêu: Đến ngày 30/9/2015, tuyển dụng được 01 nhân sự Trợ lý Giám đốc phát triển kinh doanh.
1. Cụ thể (S-Specific):
Tính cụ thể của Mục tiêu thường được xác định bằng 3 câu hỏi What (Làm cái gì)?, Why (Tại sao phải làm)? và How (Làm như thế nào?). Khi trả lời được cả 3 câu hỏi, chúng ta có thể tạm yên tâm là Mục tiêu của mình đã mang tính “cụ thể” mặc dù trong tuyên bố mục tiêu có thể chỉ thể hiện bằng câu trả lời cho câu hỏi What.
– What (Làm cái gì)?: Tuyển dụng 01 nhân sự Trợ lý Giám đốc phát triển kinh doanh.
– Why (Tại sao phải làm)?: Để đáp ứng yêu cầu công việc của Giám đốc phát triển kinh doanh.
– How (Làm như thế nào)?: Làm theo Quy trình tuyển dụng hiện hành.
2. Đo lường được (M-Measurable):
Mục tiêu phải đo lường được để bạn có bằng chứng về việc hoàn thành mục tiêu đã đặt ra. Các chỉ số đo lường có thể là con số, ngày tháng….
– 01 nhân sự Trợ lý Giám đốc khối phát triển kinh doanh là chỉ số đo lường cho mục tiêu ví dụ.
3. Có khả năng thực hiện (A-Achievable)
Hãy đảm bảo chắc chắn rằng Mục tiêu bạn đặt ra là có thể thực hiện được. Nếu bạn xây dựng Mục tiêu mà hầu như không có hy vọng hoàn thành thì mục tiêu đó sẽ làm bạn thoái chí và mất tự tin. Và để đạt được mục tiêu đó, bạn cần “sở hữu” thái độ, kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên xây dựng những mục tiêu quá dễ dàng đạt được, bạn sẽ tự tạo cho mình cảm giác sợ hãi nếu đặt những mục tiêu mới “quá cao” mà mình không thể thực hiện, trong khi với những người đã có kỹ năng xây dựng mục tiêu thì với một chút nỗ lực nữa, những mục tiêu “quá cao” đó hoàn toàn có thể đạt được.
Vậy nên, cân nhắc khả năng thực thi cho một mục tiêu thách thức là việc không thể bỏ qua trong quá trình xây dựng mục tiêu.
– Mục tiêu ví dụ: Để tuyển dụng được 1 nhân sự có chất lượng cho hệ thống, bạn cần nắm vững quy trình tuyển dụng và những kỹ năng nhất định để có được hồ sơ, chọn lọc hồ sơ, thực hiện các vòng tuyển dụng… Mục tiêu này đủ thách thức và ý nghĩa để tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng cho bạn.
4. Có tính thực tế (R-Realistic)
Một mục tiêu mang tính thực tế là mục tiêu đó phải hướng tới kết quả cuối cùng của cá nhân hoặc tổ chức.
– Mục tiêu ví dụ: Công việc của vị trí Trợ lý Giám đốc phát triển kinh doanh yêu cầu tốt nghiệp Đại học với mức lương tương đương bậc B1 thì chúng ta cần xây dựng Tiêu chuẩn nhân sự phù hợp đối với vị trí này. Nếu đặt yêu cầu quá cao, có thể chúng ta tuyển được người nhưng sẽ không đáp ứng mục tiêu về tiến độ tuyển dụng và chi phí cho vị trí tuyển dụng.
5. Có giới hạn thời gian (T-Timetable)
Mục tiêu của bạn cần phải có giới hạn thời gian (deadline). Một lần nữa xin nhắc lại, nó cho phép bạn biết khi nào bạn cần hoàn thành mục tiêu. Và khi bạn làm việc với deadline, chắc chắn bạn sẽ rèn luyện được tinh thần khẩn trương và kỷ luật, giúp bạn dần dần có thể đặt những mục tiêu cao hơn nữa.
– Mục tiêu ví dụ: 30/9/2015 là deadline cần đạt.
Kết luận
Không có mục tiêu mang tính SMART, cá nhân và tập thể không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Các vị trí quản lý cần đặc biệt ý thức vai trò quan trọng của việc viết Mục tiêu SMART. Hàng năm, hàng quý các bạn phải viết mục tiêu cho bộ phận mình, cho cá nhân mình và yêu cầu nhân viên viết mục tiêu cá nhân, bạn phải luôn ghi nhớ mọi mục tiêu viết ra phải SMART vì chính nó là công cụ hỗ trợ quản trị thành tích của chính bạn và đội ngũ của bạn.
Mục tiêu ban đầu: | |
Cụ thể (S-Specific) |
|
Có thể đo lường (M-Measurable) |
|
Có khả năng thực hiện (A-Achievable) |
|
Có tính thực tế(R-Realistic) |
|
Có giới hạn thời gian(T-Timetable) |
|
Mục tiêu cuối cùng: |