1. Tìm hiểu về tuyến mồ hôi, tuyến bã
– Các tuyến mồ hôi: là loại ống tuyến đơn giản, có ở hầu hết các phần da cơ thể, nhiều nhất là ở lòng bàn tay bàn chân và ở nách. Trong dịch mồ hôi có 98% nước và 2% các chất vô cơ, hữu cơ. Trong mồ hôi còn có những sản phẩm chuyển hóa của protein như ure, ammoniac và một số muối như NaCl. Mỗi ngày cơ thể bài tiết khoảng 500-600 ml mồ hôi.
Cơ chế phát sinh mùi hôi cơ thể? Mồ hôi tiết ra hầu như không có mùi trừ khi có sự tác động của vi khuẩn (gây lên men). Vi khuẩn phát triển nhanh ở môi trường nóng và ẩm ướt, vì thế vùng nách là khu vực cơ thể dễ có mùi nhất do thường xuyên nóng, mồ hôi tiết ra nhiều. Như vậy, sự phát triển của vi khuẩn trên mồ hôi và các tế bào da tóc bị đào thải là nguyên nhân chính để phát sinh mùi hôi.
– Tuyến bã: có ở khắp nơi của da, trừ lòng bàn tay, bàn chân; ống bài xuất thường đổ vào phần trên của nang lông. Tuyến bã thay đổi gây ra một số bệnh: Trứng cá, viêm da da dầu, á sừng da dầu (tăng tiết chất bã làm bít các lỗ chân lông dẫn đến hói đầu).
Tuyến bã nhờn ở lông, nách, vú, bẹn, mặt tiết ra chất bã nhờn, phần lớn là chất béo.
– Những vị trí thường xuyên tiết nhiều mồ hôi là trán, vùng da dưới cánh tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân…
2. Các sản phẩm khử mùi
– Sản phẩm khử mùi được bào chế đa dạng: dạng lăn nách, dạng kem thoa trực tiếp, dạng xịt, dạng bột, dạng nước đổ ra tay rồi bôi lên…
– Chất chống tăng tiết mồ hôi thường dùng là muối nhôm (Clorit, Sulfat, Chohydrat), muối kẽm, acid tanic, hương liệu. Chúng kết tủa protein làm hẹp lỗ bài tiết hoặc làm săn da (Ví dụ: Thuốc trị hôi nách gia truyền thực chất là phèn chua – một muối kép của nhôm và kali)
– Chất khử mùi và diệt khuẩn thường dùng trong mỹ phẩm là Chlorothymol (khử trùng răng miệng), Benzalkonium Chloride (sát khuẩn tại chỗ, ngăn ngừa nhiễm trùng), cồn, acid béo (dưới 6 carbon), nhựa trao đổi ion (Hạt nhựa trao đổi ion hay còn được gọi là hạt nhựa làm mềm nước , là loại hạt không hòa tan và có chứa các ion có thể dễ dàng trao đổi với các ion khác trong dung dịch phản ứng với nó, sự trao đổi này không làm thay đổi tính chất vật lý của vật liệu trao đổi ion.). Chất diệt khuẩn đơn giản thường dùng là acid salicylic, có tác dụng làm bong các lớp sừng ở da.
– Một sản phẩm khử mùi đạt yêu cầu phải hội đủ ba điều kiện: hết mùi, làm khô và diệt khuẩn. Khách hàng cần lựa chọn những sản phẩm phù hợp kinh tế cũng như có thành phần an toàn đối với sức khỏe.
3. Phân loại sản phẩm khử mùi
– Phân loại theo định dạng: dạng lăn, sáp, xịt, hay ít phổ biến hơn là dạng kem.
– Phân loại theo chức năng: chia thành 2 nhóm chính là sản phẩm khử mùi truyền thống và sản phẩm ức chế mồ hôi. Mỗi nhóm có cơ chế hoạt động và thành phần hoá học khác nhau.
– Phân loại theo chức năng được cải tiến: Sản phẩm khử mùi không để lại ố vàng, sản phẩm khử mùi không mùi, sản phẩm khử mùi có tác dụng lâu dài, sản phẩm từ thiên nhiên và không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng…
IMC nhận gia công sản xuất các sản phẩm mỹ phẩm ngăn mùi như NƯỚC HOA, CHẤT THƠM
1. Tìm hiểu về nước hoa
– Nước Hoa (tiếng Anh: Perfume, tiếng Pháp: Parfum) được bắt nguồn từ cụm từ Latin “Per fumum” có nghĩa là “truyền tải thông qua sương/khói”.
– Là hỗn hợp các chất tạo mùi như tinh dầu, chất thơm, chất hãm hương (lưu hương), và dung môi hòa tan. Dùng để tạo ra cho cơ thể người, con vật, đồ vật hay không gian một mùi hương dễ chịu. Các thành phần của nước hoa có thể được tổng hợp nhân tạo hoặc chiết xuất từ thực vật và động vật.
2. Phân loại nước hoa theo nồng độ, độ lưu hương
– Perfume (Extrait) hay Extrait de parfum: với hàm lượng tinh dầu từ 20-40%, nồng độ tinh dầu rất cao, mùi hương rất nồng và bền. Đây là loại nước hoa đắt nhất và hiếm nhất. Độ lưu hương kéo dài cả ngày.
– Eau De Perfume (EDP): với hàm lượng tinh dầu từ 12-20%, đậm đặc nhất, nồng độ tinh dầu cao, nồng nàn và bền mùi, sử dụng hợp với những vùng khí hậu khô, hay mùa lạnh. Mùi hương lưu lại trong vòng 6-8 giờ.
– Eau De Toilette (EDT): có từ 5-12% tinh dầu, mùi nhẹ nhàng, khá bền mùi. Loại nước hoa phổ biến nhất hiện nay trên thế giới, với giá cả phải chăng và chất lượng mùi hương trung bình. Đây là loại nước hoa dành cho cả nam và nữ với mẫu mã, chủng loại hay nhà sản xuất khá đa dạng. Mùi hương lưu lại trong vòng 3-4 giờ.
– Eau De Cologne (EDC) hay Eau De Fraiche: chỉ có 2-4% tinh dầu, mùi nhẹ, khả năng giữ mùi kém, phù hợp với túi tiền “bình dân”. Độ lưu hương kéo dài trong vòng 1-2 giờ.
3. Thành phần nước hoa
– Thành phần chính là tinh dầu tự nhiên, thu được qua các quá trình chưng cất phân đoạn các loại thực vật. Kết hợp với các chất gây bay mùi mà thành phần chính là các alcohol.
– Các loại hoa như hoa violet, hoa hồng, hoa lài, hoa irit…có khoảng 1000-1200 loài hoa khác nhau và được cất ra tinh dầu; vỏ, rể, quả, nhựa và lá cây như táo, mơ, chanh, đào… đều có thể làm được nước hoa nhưng phổ biến nhất là cam và chanh. Ngoài ra một số thành phần khác như: Cassi, Gạo Basmati, Đàn hương, Hổ phách, Xạ hương, lá cây Thường xuân, hạt Hồi, rễ Huệ tím, Cỏ thần, Nhựa thơm, hoa Cam thảo, Đậu Tonka, Cánh kiến trắng, Vani… tạo cho mỗi loại nước hoa những mùi đặc trưng quyến rũ: nồng nàn, nhẹ nhàng, bí ẩn, gợi cảm, lãng mạn hay sang trọng…
4. Nốt hương (tầng hương)
– Nốt hương đầu (top notes, head notes): mùi hương bật ra ngay lập tức (vài giây sau khi xịt), chứa những mùi nhẹ, dễ bay hơi như mùi trái cây, mùi hoa.
– Nốt hương giữa (middle notes, heart notes): tỏa sau khoảng 15 phút (sau khi nốt hương đầu tiêu tán), tạo mùi “đặc trưng” cho nước hoa và “che đậy” mùi hương khá gắt không mấy dễ chịu của nốt hương cuối (tuy nhiên sẽ trở nên dễ chịu hơn theo thời gian), lưu mùi khá lâu. Chứa mùi hương chính của lọ nước hoa thường là mùi cỏ, gia vị.
– Nốt hương cuối (base note): Nốt hương cuối kết hợp với nốt hương giữa trở thành chủ đề chính của lọ nước hoa. Nốt hương cuối đem lại cảm giác trầm lắng và đậm đặc, lưu mùi rất lâu và mạnh, thường chứa mùi của gỗ, xạ hương và nhựa thông…
Nốt hương đầu và giữa chịu ảnh hưởng của nốt hương cuối. Mùi hương của nốt cuối có thể bị bẻ cong khi kết hợp với nốt hương giữa.
5. Các nhóm hương nước hoa
– 7 nhóm hương nước hoa truyền thống
• Hương thơm ngát (Aromatic): Nhóm Aromatic chứa các loại thảo dược tạo cảm giác thoải mái như ở ngoài trời.
• Hương SÍP (chypre): Chypre thường là mùi hương đậm đà nhất trong thế giới nước hoa, khả năng giữ mùi rất lâu, được kết hợp từ mùi của gỗ, rêu và hoa.
• Hương cam chanh (citrus): Nhóm Citrus chứa thành phần liên quan đến hoa quả như nho, chanh, cam, đào, dâu, dưa hấu… tạo nên mùi thơm nhẹ và tươi mới.
• Hương hoa (floral): Nhóm Floral chứa các tinh chất từ hoa tạo mùi ngọt và nồng. Mùi hương lấy cảm hứng từ những loài hoa mang vẻ ngọt ngào như hoa hồng, hoa lài, hoa cam, hoa dành dành (bạch thiên hương), hoa cẩm chướng…Hương cây cỏ mang thiên hướng lãng mạn và dịu dàng.
• Hương da thuộc (leather): Nhóm hương da thuộc mang hương hoa cỏ mượt mà đến hương vị chua, có mùi khói. Mùi da thuộc tuy chưa phổ biến, nhưng cũng đã mang một dấu ấn nhất định.
• Hương phương đông (oriental): Nhóm Oriental chứa các hương gia vị, xạ hương, trầm hương và nhựa cây… tạo mùi ấm và khêu gợi. Những nguyên liệu cổ điển như cây vòi voi, gỗ đàn hương, chất tỏa mùi coumarin, hoa diên vĩ, va-ni và nhựa cây được dùng trong các mùi hương nước hoa phương đông – tuy nhiên có thể được điều chỉnh lại để phù hợp cho cả nam lẫn nữ.
• Hương gỗ (woody): Nhóm Woody chứa các thành phần chiết xuất từ gỗ như huyết tùng, đàn hương, hoắc hương tạo ra mùi đất và hơi nam tính.
– Những nhóm hương nước hoa phát triển thêm sau này:
• Nhóm Aldehydic: là một hợp chất hóa học tổng hợp của sáp, hoa hồng, quýt, mùi xà phòng. Hợp chất này cho cảm giác mùi tươi sáng, đôi khi ngửi không quen mũi thấy giống mùi xà phòng.
• Nhóm Aquatic: chứa thành phần tạo mùi giống như không khí ở biển, núi hoặc vải mới.
• Nhóm Green: chứa các thành phần chiết xuất từ gỗ và hương hoa, với hương cỏ vừa được cắt, lá cây nghiền và mùi dưa chuột.
• Hương thực phẩm (Gourmand): Đây là mùi nước hoa ngọt mang hương vị của đồ ăn, chứa các mùi như vanilla, chocolate, caramel… tạo mùi ngọt ngào. Mùi hương này thường kết hợp với hương hổ phách, hoặc các nốt hương cay nồng để kích thích khứu giác.
• Nhóm Fruity: gồm mùi hương của các loại trái cây khác ngoài cam quýt, như đào, nho đen (black currant), xoài, chanh dây, và nhiều hơn thế nữa.
6. Các ký hiệu trên chai nước hoa
– Ký hiệu FL.OZ. là viết tắt của đơn vị đo lường chất lỏng “Fluid Ounce”. Hầu hết trên mọi loại nước hoa đều hiển thị thể tích của sản phẩm bằng cả hai đơn vị là Milliliters và Fluid Ounce. Với tỉ lệ chuyển đổi 1 FL.OZ tương đương với khoảng 29.57 ml. Như vậy, một số dạng thể tích phổ biển của nước hoa như sau:
• 5ml = 0.16 FL.OZ hoặc 0.17 FL.OZ.
• 50ml = 1.7 FL.OZ.
• 100ml = 3.4 FL.OZ…
– Cụm từ “Vapotisauter Spray” hoặc “Natural Spray” đều được dùng để nói lên cách thức sử dụng nước hoa dạng xịt phun sương.
– Ý nghĩa mã code so khớp trên vỏ hộp và thân chai nước hoa: Trên thân chai nước hoa và và vỏ hộp đều có một cặp mã code khớp nhau, đơn giản là để đảm bảo sản phẩm không bị tráo đổi. Mã code này được in, khắc chìm hoặc khắc nổi trên thân chai và vỏ hộp tùy theo từng hãng.
7. Một vài kinh nghiệm chọn nước hoa
– Chỉ nên thử không quá 6 loại nước hoa trong một lần vì sẽ gây loạn mùi.
– Thử mùi trên da hoặc trên tờ giấy thấm, để qua một thời gian để xem độ bay mùi cũng như cảm nhận được các nốt hương.
– Chọn mua nước hoa theo mùa:
• Mùa đông lạnh giá, các phân tử bay mùi sẽ ít bay hơi hơn mùa hè nên khả năng giữ mùi của nước hoa khá dài, nên chọn mùi nồng nàn để có cảm giác ấm áp.
• Mùa hè nóng bức, khả năng giữ mùi của nước hoa ngắn nên bạn nên chọn mùi hương nhẹ nhàng, thơm mát.
• Mùa xuân và mùa thu mát mẻ, bạn nên chọn nước hoa có hương thơm lãng mạn, ngọt ngào, quyến rũ.