Khi bạn giúp nhân viên khác vượt qua khó khăn trong việc ứng dụng một cách làm mới vào công việc, bạn đã có cơ hội giúp nhân viên của mình hiểu rõ tại sao sự thay đổi đó là cần thiết. Dù không phải là những buổi đào tạo chính thống nhưng bạn đã giúp nhân viên của mình nâng cao và phát triển năng lực, đó chính là “Huấn luyện”, phát triển đội ngũ.
![phát triển đội ngũ](https://imc.net.vn/wp-content/uploads/2015/08/IMG_4912-Copy.jpg)
Huấn luyện, phát triển đội ngũ
Ở IMC, bất kể đang ở vị trí nào cũng cần đạt 3 yêu cầu: Công việc hoàn thành, Người đi cùng mình phát triển và Mình phát triển. Một trong những biện pháp để đạt được các yêu cầu trên là đào tạo huấn luyện để đội ngũ thể hiện năng lực làm việc hiệu quả hơn với năng suất lao động cao hơn.
Chúng ta thường dành thời gian để tập trung vào những nhân viên có năng suất làm việc thấp hoặc hay gặp vấn đề trong quá trình làm việc. Còn những nhân viên thường xuyên có kết quả làm việc tốt, chúng ta lại không mấy để ý, cho đến lúc một trong số những nhân viên xuất sắc nhất tìm gặp người quản lý và nói rằng bạn ấy không còn cảm thấy hứng thú với công việc nữa vì công việc không thách thức và bạn ấy không tìm thấy cơ hội phát triển. Khi đó, chúng ta mới nhận ra rằng mọi nhân viên đều cần được phát triển, dù họ thể hiện kết quả công việc ở mức độ khác nhau.
Đối với những nhân viên có thành tích vượt trội, Hệ thống IMC đã thống nhất thực hiện huấn luyện bằng 2 biện pháp:
– Tập trung phát triển lĩnh vực chuyên môn sở trường.
– Rèn luyện kỹ năng quản lý, lãnh đạo.
![huấn luyện, phát triển đội ngũ 2](https://imc.net.vn/wp-content/uploads/2015/08/IMG_8019-Copy.jpg)
Huấn luyện, phát triển đội ngũ
1. Tập trung phát triển lĩnh vực chuyên môn sở trường nhằm phát triển đội ngũ
Trong tháp nhu cầu Maslow, con người mong muốn và không bao giờ ngừng phấn đấu để đạt được những mục tiêu cao hơn nhằm thỏa mãn những nhu cầu cao hơn.
Trong Hệ thống IMC, nhiệm vụ của các vị trí quản lý là giúp nhân viên có thể hiện thực hóa những mục tiêu và mong muốn phù hợp của họ.
Biết được vị trí nhu cầu của nhân viên trên kim tự tháp Maslow sẽ giúp chúng ta xác định được động lực của họ một cách chính xác hơn, từ đó có thể thống nhất với nhân viên những mục tiêu phù hợp với nhu cầu phát triển cá nhân và yêu cầu phát triển của Hệ thống. Một khi đã xác định và thống nhất được mục tiêu phát triển với nhân viên, chúng ta có thể đưa ra những biện pháp đào tạo huấn luyện thích hợp. Ví dụ: một dược sĩ đang làm việc tại phòng Kế hoạch vật tư (KHVT) yêu thích công việc nghiên cứu và mong muốn được phát triển trong lĩnh vực này, thì ngoài mục tiêu chuyên môn tại phòng Kế hoạch vật tư, bạn đó nên được tham gia vào một dự án của Khối Nghiên cứu phát triển để có cơ hội học hỏi và trải nghiệm. Tất nhiên bạn ấy vẫn phải hoàn thành tốt công việc của phòng KHVT. Nói một cách khác bạn sẽ được giao khối lượng công việc nhiều hơn, với những mục tiêu thách thức hơn.
![Đào tạo, huấn luyện, phát triển đội ngũ 5](https://imc.net.vn/wp-content/uploads/2015/08/IMG_5422-Copy.jpg)
Đào tạo đội ngũ
Huấn luyện bằng cách giao thêm nhiệm vụ với những mục tiêu cao hơn cũng cũng được áp dụng đối với các nhân viên khác trong bộ phận để tìm ra những nhân sự tiềm năng. Nhưng các bạn hãy yên tâm vì đằng sau các bạn luôn có các đồng nghiệp, cấp trên, những người luôn ở đằng sau hỗ trợ và cổ vũ để bạn có thêm động lực thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Một lần nữa xin nhắc lại việc xây dựng và thống nhất mục tiêu ý nghĩa và thách thức đối với nhân viên là một nhiệm vụ tối quan trọng đối với các vị trí quản lý để giúp nhân viên mình phát triển và bản thân mình phát triển.
![Phát triển đội ngũ 3](https://imc.net.vn/wp-content/uploads/2015/08/IMG_6075-Copy.jpg)
Đào tạo, phát triển đội ngũ
2. Rèn luyện kỹ năng quản lý, lãnh đạo để phát triển đội ngũ
Các vị trí quản lý còn có nhiệm vụ chuẩn bị nhân sự kế nhiệm trong bộ phận. Cá nhân các trưởng bộ phận phải trả lời được câu hỏi ai sẽ là người thay thế mình nếu mình được điều chuyển lên vị trí cao hơn mà hoạt động của bộ phận không bị xáo trộn, không ảnh hưởng đến việc hoàn thành mục tiêu chung.
Trong trường hợp này, chúng ta cần chuẩn bị những người quản lý, lãnh đạo dự bị và tốt nhất nên phát triển một vài trong số những nhân sự “key” của chính bộ phận mình.
Một khi đã xác định được những nhân sự tiềm năng, hãy huấn luyện thông qua việc thử thách họ thực hiện những nhiệm vụ quản lý, lãnh đạo dưới sự giám sát trực tiếp của mình, ví dụ như hướng dẫn, đào tạo nhân viên mới, dẫn dắt các buổi họp nhóm, họp phòng… Chúng ta cũng cần làm rõ mục tiêu đào tạo kế nhiệm với tất cả các thành viên trong bộ phận để mọi người hiểu rõ và ủng hộ, tránh trường hợp vì không hiểu rõ mà thành hiểu sai rằng có sự thiên vị trong bộ phận, gây nên sự đố kỵ, ảnh hưởng đến các giá trị cốt lõi của Hệ thống.
Kết luận
Mỗi người đều chỉ có 24h/ngày như nhau, nếu một người thực sự đam mê và quyết liệt thực hiện mục tiêu đã đặt ra, người đó sẽ có đủ thời gian và sức lực để theo đuổi đến cùng đam mê của mình.
Tôi thực sự bị thuyết phục bởi nhận xét của Jack Welch về tiềm năng con người khi ông nói “có một lượng nước vô hạn trong quả chanh”, nó được thể hiện qua những kết quả mà ông mang lại cho một trong những công ty lớn nhất thế giới: General Electric (GE). Từ một nhân viên trong nhóm nghiên cứu phát triển, 10 năm sau ông trở thành Giám đốc bộ phận sản xuất nhựa. Bộ phận này do Welch lãnh đạo đã mang lại thu nhập xuất sắc cho GE, chiếm 20% tổng thu nhập cho toàn GE. Và 10 năm sau nữa trở thành CEO của tập đoàn GE, mang lại cho GE sự phát triển lớn gấp 6 lần dưới thời quản lý của ông. Bản thân ông là hình mẫu cho sự phát triển không giới hạn của con người và tư tưởng “con người đi trước, mọi thứ khác đi sau” mà ông đã áp dụng thành công tại tập đoàn GE.
Tư tưởng này của Jack Welch rất đồng điệu với tư tưởng “Đầu tư và phát huy tiềm năng con người” mà Hệ thống IMC đang áp dụng. Và tôi cũng tin rằng tại Hệ thống IMC, bạn và tôi, chúng ta có cơ hội phát triển không giới hạn.