Hết quý, tôi lại mang laptop lên gặp cấp trên để được “oánh giá”, sau khi cài đặt các mục tiêu chán chê, thậm chí dài lê thê, tôi mới mạn phép hỏi :“Chị ơi, Em thấy mình cũng giỏi giống như chị, các mục tiêu quý trước đều hoàn thành mà sao em mãi là nhân viên, không thành công được như chị?”.
![Hoc marketing (6)](https://imc.net.vn/wp-content/uploads/2016/04/Hoc-marketing-6.jpg)
Ảnh minh họa
Tôi những tưởng sếp sẽ an ủi động viên kiểu như: cứ cống hiến đi, công ty sẽ không phụ công em, hoặc “cứ kiên nhẫn, từ từ rồi khoai sẽ nhừ”, hoặc cùng lắm là giải thích bằng số mệnh, kiểu “số em 30 tuổi mới phát”, “năm nay em đang bị sao Thái bạch chiếu mệnh”… vân vân, nào ngờ chị dội ngay “Giỏi gấp mười lần chị mà không biết hạn chế các Limiting Factor thì mãi vẫn là nhân viên quèn thế thôi” Chị vừa nói tiếng Việt, lại vừa đá ngoại ngữ làm mình hoa cả mắt, ù cả tai. Tôi chưa kịp hoàn hồn thì chị lại tiếp “Ngoại ngữ chưa được 700 Toec thì em mơ mộng cái gì?”, “ Mức độ thành công của người lãnh đạo như em đang đánh giá chị không phụ thuộc vào độ giỏi – giỏi là đương nhiên phải có, là điều kiện cần – mà phụ thuộc vào các yếu tố giới hạn của em, chị thấy em có quá nhiều yếu tố giới hạn”.
Chị giải thích về Limiting Factor – dịch một cách khoa học là yếu tố giới hạn. Để tôi dễ hiểu chị đã lấy tạm hình ảnh một cái cây để làm ví dụ. Chị bảo, cây chỉ có thể phát triển và trưởng thành tốt nếu có đầy đủ các yếu tố cần thiết, là đất, nước, ánh sáng… (đất, nước để cung cấp dưỡng chất, ánh sáng và khí trời để quang hợp). Nếu chỉ một trong các yếu tố đó bị hạn chế ắt cây sẽ không lớn được, còi cọc, thậm chí có thể chết. Ví dụ nếu thiếu nước thì dù có tăng cường các yếu tố khác như cho thật nhiều ánh sáng, hay bón nhiều phân… cây vẫn chỉ lớn được đến một giới hạn được xác lập bởi chính yếu tố thiếu nước.
Thấy tôi vẫn “ngơ ngơ”, chị liền lấy thêm một ví dụ khác, ví dụ về cái chai đựng nước mà tôi vẫn uống hàng ngày, Nếu chiếc chai bị một lỗ dò ngang thân (chính là yếu tố giới hạn cho khả năng trữ nước của chai), nước sẽ chảy ra và khả năng chứa nước của chai chỉ còn lại ngang mức xấp xỉ với vị trí lỗ dò trên thân. Chai có thể chứa được không tới nửa lít.
Chị lấy ví dụ để tôi hiểu rằng mỗi người chúng ta, cho dù năng lực có tốt đến đâu nhưng vẫn sẽ bị những yếu tố giới hạn khống chế, chính các yếu tố giới hạn này đang và sẽ làm hoang phí đi tài năng của chúng ta, như nước bị trào ra khỏi chai vậy.
Điều này giải thích tại sao nhiều người ngày còn đi học rất thông minh, thi cử luôn đạt giải cao, nhưng khi đi làm, sống cuộc sống thực tế lại không hề thành công như mong đợi. Giải thích theo Limiting Factor thì có thể người này giỏi về năng lực nghề nghiệp, nhưng lại bị những yếu tố giới hạn cản trở, ví dụ như anh ta nóng tính, hoặc lười nhác chẳng hạn.
Và sau khi nghe chị nói thì tôi hiểu rằng: mỗi người đều có hoặc có thể có hàng tá những thứ gọi là Limiting Factors, điều này giới hạn sự thành công, ví dụ như: tính vô trách nhiệm, cẩu thả, tính luộm thuộm, vô kỷ luật, làm việc không kế hoạch, hay sai hẹn, lười giao tiếp, hấp tấp vội vàng, ngây thơ, quá ít nói hay kiệm lời, hay nói quá nhiều, thích chém gió, hoặc ưa suồng sã, thiếu chuyên nghiệp, thích dặt dẹo, thiếu khả năng diễn đạt, không muốn lắng nghe , hiếu thắng, sợ đám đông, lười nhác, ngủ muộn, hay chỉ trích, trù dập, tham lam, ganh ghét,… vân vân. Hay nói như DS Nguyễn Ngọc Thành, thì đây là những tâm xấu, cần loại bỏ.
Một bạn giỏi nghiên cứu, bào chế nhưng luộm thuộm và thiếu kỷ luật nên rất khó thăng tiến. Một bạn làm marketing nhưng luôn sai hẹn hẳn không thể thành công. Và một người công nhân tay nghề cao nhưng thiếu kỷ luật chắc chắn không thể trở thành một lãnh đạo tốt.
Chị Sếp cũng đưa ra một vài lời khuyên mà tôi thấy hợp lý, theo chị thì việc phát huy các sở trường của mỗi nhân viên sẽ là quan trọng hơn vì yếu tố giới hạn của họ sẽ được bổ khuyết bởi đồng nghiệp và hạn chế tối đa thông qua kỹ năng làm việc nhóm. Chị cũng không quên chỉ cho tôi vô số điểm giwois hạn mà tôi cũng phải công nhận đó là đúng.
Sau buổi đánh giá nhân viên của tôi, hay đúng hơn là một buổi trò chuyện thẳng thắn, tôi đã hiểu vì sao mình vẫn là nhân viên, tôi hiểu rằng không phải ai cũng có thể nhìn ra yếu tố giới hạn của mình, nhưng dù sao nhìn ra được còn là dễ. Để hạn chế hoặc loại bỏ hẳn nó mới là điều khó khăn, đòi hỏi một nghị lực phi thường mà ít người làm được. Những người làm được điều đó thường dễ có thành công. Giống như mình luyện được tâm vậy.