Luân chuyển công việc là việc hoán đổi có kế hoạch các vị trí trong một tổ chức. Tại Hệ thống IMC, thời gian qua chúng ta đã thực hiện luân chuyển công việc trong bộ phận nhằm đạt được mục tiêu “Một việc có ít nhất 3 người làm được” và “Một người có thể làm ít nhất 3 việc”. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của việc luân chuyển công việc này nhé.
Thông thường, các chương trình luân chuyển công việc được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho các nhân sự tiềm năng có cơ hội có cái nhìn tổng thể về hệ thống và được trải nghiệm thực tế tại các vị trí khác nhau phục vụ cho kế hoạch phát triển nhân sự của tổ chức. Một lý do khác cũng rất quan trọng, đó là tránh sự trì trệ và nhàm chán khi một nhân sự làm mãi một vị trí, đặc biệt là các vị trí trong nhà máy.
Sau một thời gian nhất định, nhân sự làm tại một vị trí có thể sở hữu những kỹ năng và kinh nghiệm đối với công việc đó ở mức hoàn hảo, anh ta khó có thể duy trì mãi sự hứng thú khi tiếp tục chỉ làm công việc đó. Do vậy, trong kế hoạch gìn giữ và phát triển nhân sự, Hệ thống cần tính tới việc phát triển đa dạng kỹ năng, kiến thức phù hợp, nhằm duy trì sự hứng thú trên con đường phát triển nghề nghiệp của họ.
Đó là nhiệm vụ của các chương trình luân chuyển công việc. Nhân sự thực hiện việc luân chuyển công việc cần được phát triển đa dạng các kỹ năng, kiến thức để có thể đáp ứng các yêu cầu thay đổi công việc của Hệ thống, tất nhiên là phải phù hợp với mong muốn và lộ trình phát triển nghề nghiệp để nhân sự đó luôn tìm thấy sự hứng thú trong công việc, phát huy được năng lực, khả năng của mình, từ đó thêm gắn bó với Hệ thống.
Tuy nhiên, phải tính đến những vấn đề có thể xảy ra khi thực hiện các chương trình này. Việc luân chuyển nhân sự có thể gây tăng khối lượng công việc và giảm năng suất lao động đối với những nhân sự tham gia trong một khoảng thời gian nhất định. Điều đó đòi hỏi các vị trí quản lý sự hợp tác phối hợp và có các kế hoạch xử lý dự phòng trong ngắn hạn bởi bản thân các vị trí quản lý nhiều khi bất đắc dĩ phải chấp nhận cho các nhân viên giỏi của mình tham gia vào các chương trình luân chuyển nhân sự tại các bộ phận khác. Cuối cùng, chắc chắn phải có chi phí dự phòng cho các chương trình đào tạo luân chuyển nhân sự, chi phí xử lý lỗi do các nhân sự luân chuyển gây ra trong quá trình học việc.
Chính vì vậy, mỗi chương trình luân chuyển nhân sự đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc phân tích tính khả thi, xây dựng mục tiêu, biện pháp, kế hoạch hành động đến truyền thông tới các nhân sự và bộ phận liên quan để có sự đồng lòng phối hợp thực hiện.Nếu được thực hiện tốt, chương trình sẽ mang lại những giá trị thực sự đối với cả Hệ thống và đội ngũ nhân sự.