Menu

CÙNG IMC TÌM HIỂU NGÀNH CÔNG NGHIỆP THÚ CƯNG

CÙNG IMC TÌM HIỂU NGÀNH CÔNG NGHIỆP THÚ CƯNG

Ngành công nghiệp thú cưng (Pet industry) là ngành công nghiệp thị trường gắn liền với các động vật bầu bạn (Companion animals) đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Với tình yêu và quan tâm dành cho thú cưng ngày càng tăng, nhu cầu về dịch vụ chăm sóc thú cưng cũng tăng cao. Tại thị trường Việt Nam hiện nay, Đã có nhiều cá nhân và Doanh nghiệp đầu tư vào ngành thú cưng, nhiều cửa hàng chuyên bán sản phẩm và dịch vụ dành cho thú cưng, dịch vụ y tế cũng như thức ăn, đồ chơi và các loại phụ kiện khác…dành cho thú cưng. Các Doanh nghiệp đã đầu tư vào mảng sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài và phục vụ thị trường trong nước bao gồm; quần áo, giường nệm, cát vệ sinh, thức ăn…. Ở Việt Nam, hiện đã hình thành nhiều phòng khám, bệnh viện tư nhân do các Bác sỹ, chuyên gia thú y trong nước và nước ngoài đầu tư và điều hành bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên biệt cho thú cưng như khám, điều trị, phẫu thuật, tiêm chủng, kiểm tra sức khoẻ định kỳ và tư vấn chăm sóc. Ngoài ra, các dịch vụ khác như trại nhân giống, khách sạn, cà phê, công viên giải trí, dịch vụ tang lễ cho thú cưng đã và đang có mặt trên thị trường, bên cạnh đó các dịch vụ về vận chuyển thú cưng, cấp giấy chứng nhận giống, dịch vụ làm “hộ chiếu” thú cưng, xuất khẩu và bảo hiểm cho thú cưng cũng phát triển mạnh mẽ. Ngành chăm sóc thú cưng ở Việt Nam cũng thu hút nhiều người làm từ thiện và tình nguyện viên. Có nhiều tổ chức tình nguyện và nhóm cộng đồng tình nguyện chăm sóc những thú cưng bị bỏ rơi hoặc bị tàn tật. Hiện cả nước có hàng chục các trung tâm làm việc này bao gồm thu nhặt, chăm sóc, vệ sinh, nuôi dưỡng và tìm kiếm nhà mới cho thú cưng…

Nuôi thú cưng không chỉ còn là sở thích 

chăm sóc thú cưng

Những dịch vụ đi kèm cũng ngày càng trở nên sôi động với thu nhập lên tới hàng tỷ USD mỗi năm. Ngành công nghiệp chăm sóc thú cưng tỷ USD ra đời khi hàng triệu người trẻ cô đơn, trầm cảm đã tìm đến chó mèo để giảm muộn phiền. Chủ sở hữu thú cưng muốn các thành viên gia đình của họ được hưởng cùng chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt như họ sẽ đối xử với chính mình. Cùng với nhiều xu hướng tăng trưởng trong thị trường thú cưng, một trong những động lực lớn nhất là thay đổi nhận thức về vai trò của vật nuôi. Thú cưng hiện đang được xem rộng rãi như một thành viên không thể thiếu trong gia đình.

Theo một thống kê không đầy đủ, tổng số thú cưng ở Việt Nam tính riêng chó và mèo đạt khoảng 11 triệu con, với tổng giá trị các ngành hàng liên quan ước tính đạt khoảng $500 triệu (theo Pet Fair Asia Report và Google Keyword Planner). Ngoài ra, theo khảo sát năm 2023 của TGM Gobal Pet Care survey tại Việt Nam, có tới 85% người được hỏi yêu thích thú cưng, đồng thời cũng có tới 67% có sở hữu thú cưng (thế giới bình quân 58%), trong đó 74% người Việt sở hữu chó, và 51% sở hữu mèo. Đặc biệt có tới 53% người tham gia khảo sát sở hữu ít nhất 2 thú nuôi trong nhà. Sự quan tâm đến các vấn đề về thú cưng gia tăng mạnh mẽ 3 năm trở lại đây, và đạt 1.9 triệu lượt tìm kiếm trên các trang mạng vào năm 2021. Mức chi tiêu của các hộ gia đình cho em bé bốn chân cũng rất phong phú. Theo thống kê của petfair-sea.com vào tháng 9 năm 2022, hiện bình quân hàng tháng người nuôi thú cưng nước ta sẽ dành trên dưới 1 triệu đồng để chi phí cho các hoạt động liên quan thú nuôi trong nhà, các nội dung chi chủ yếu gồm thú y (58-59%), cắt tỉa grooming (31-35%), spa (11-22%), thức ăn (12-19%), ngoài ra còn có các dịch vụ lưu trú khách sạn, đào tạo huấn luyện (tỷ lệ này khác nhau theo giới tính của người nuôi).

Hiện nay, trên khắp cả nước chủ yếu tại thành phố lớn đã ra đời hàng loạt chuỗi cửa hàng và dịch vụ liên quan. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cộng đồng yêu thú cưng. Theo một thống kê gần đây của Nielsen và Mars hiện tại có gần 3,000 cửa hàng bán lẻ sản phẩm chăm sóc thú cưng chỉ tính riêng 6 tỉnh, thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và Khánh Hoà. Các kênh phân phối các sản phẩm thức ăn cho chó mèo tại nước ta chủ yếu là tại các siêu thị (47%), chuỗi các cửa hàng tiện ích hoặc cửa hàng nhỏ lẻ (54%) và kênh mua bán online (38%).

Không chỉ tiêu dùng trong nước, các sản phẩm dành cho thú cưng sản xuất tại Việt Nam cũng đang mở rộng kênh xuất khẩu ra thị trường thế giới. Theo International Trade Centre, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Campuchia là những nhà nhập khẩu sản phẩm thức ăn thú cưng lớn nhất từ Việt nam. ITC Mordor Intelligence ước tính tổng giá trị xuất khẩu ngành hàng dog/cat food của Việt Nam đạt $120 triệu vào năm 2020, tăng trưởng hơn 100% so với 2019 ($57 triệu).

Có thể nói tiềm năng của ngành chăm sóc thú cưng là rất lớn và đang phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần. Tuy nhiên, ngành chăm sóc thú cưng ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu hình thành và phát triển tự phát khá phổ biến ở các thành phố lớn. Một số thách thức đã đặt ra như nhận thức của người nuôi về quyền lợi và trách nhiệm chăm sóc thú cưng cũng chưa đầy đủ và đúng mức về các kiến thức chăm sóc thú cưng khi có tới 43% người được hỏi cho biết họ tự cung cấp thức ăn cho thú cảnh tại nhà (sử dụng các thức ăn có sẵn của người) mà không mua thức ăn chuyên biệt. Tiêu chuẩn an toàn vệ sinh và tăng cường phóng chống bạo hành đối với thú cưng. Ngoài ra, các trung tâm đào tạo spa cắt tỉa (grooming) ở nước ta hiện nay còn thiếu thốn về chất lượng dịch vụ và số lượng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Dịch vụ đào tạo huấn luyện thú chỉ dừng lại ở chó nghiệp vụ hoặc chó mèo phục vụ giải trí như rạp xiếc.

IMC ngành công nghiệp thú cưng 1

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý riêng cho ngành này hầu như chưa có, mà chủ yếu dựa vào Luật Chăn nuôi (mới nhất là bộ Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 ban hành ngày 19/11/2018) và các văn bản liên quan vốn đa phần cung cấp công cụ quản lý cho mảng thú y và thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản. Tại các trường đại học trên cả nước mới có học viện Nông nghiệp mở khoa đào tạo đầu tiên về chuyên ngành chăm sóc thú cưng. Còn lại  chủ yếu hình thức đào tạo là tự phát, giáo trình tự biên soạn riêng lẻ của các chủ cơ sở mà không có giáo trình bài bản do các chuyên gia có trình độ về chuyên ngành đào tạo.

Từ bối cảnh như trên thiết nghĩ rất cần có sự đóng góp của một tập hợp các tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực liên quan, từ đó phát huy sức mạnh tập thể, gắn kết hoạt động của toàn ngành, hỗ trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển, tiến tới xây dựng một nền kinh tế mới lành mạnh và đóng góp hiệu quả cho xã hội

Nguồn: Trang trl