Ngày 6 tháng 10 năm 2015, 12 quốc gia thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hoàn tất các cuộc đàm phán. Các quốc gia thành viên TPP cũng đã lần lượt công bố toàn văn bản Hiệp định quan trọng này và những tác động của TPP đến nền kinh tế của mỗi quốc gia. Để làm rõ hơn những tác động của Hiệp định TPP đến ngành Thực phẩm chức năng Việt Nam, Ngày 24/11 tại Hà Nội, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) kết hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đồng tổ chức chương trình hội thảo: “Doanh nghiệp Thực phẩm chức năng với hội nhập TPP: Những điều cần lưu ý”. Rất nhiều CBNV của công ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế (IMC) đã đến tham dự.
Qua quá trình tham dự hội thảo, nhiều CBNV của IMC đã có cái nhìn tổng quan về TPP và ảnh hưởng của nó đến lĩnh vực y tế ở Việt Nam nói chung và ngành thực phẩm chức năng nói riêng.
Nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thực phẩm chức năng trong đó có IMC được các chuyên gia chỉ ra trong hội thảo .
Một số thông tin đưa ra tại hội thảo cho thấy, với ngành thực phẩm chức năng, các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với thị trường tiềm năng 800 triệu dân từ 12 quốc gia thành viên với nhu cầu tiêu thụ lên tới 50 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, thị trường lớn nhất như Mỹ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm chức năng lên tới 30 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, trong số hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng nội đang hoạt động, có tới 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó số doanh nghiệp áp dụng theo chuẩn quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Nếu không có sự đầu tư bài bản hơn thì số lượng doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này có thể vươn ra biển lớn, tận dụng tiềm năng của thị trường là không nhiều”, Hiệp hội nhìn nhận.
Như vậy, có thể thấy, yêu cầu đầu tư nhà xưởng, máy móc, công nghệ, nhân sự, môi trường, phòng kiểm nghiệm… để có thể tham gia cuộc chơi TPP là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp trong ngành.
Tuy nhiên đây lại là cơ hội và điểm mạnh cho IMC bởi ngay từ những năm đầu, IMC đã đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, áp dụng nguyên tắc GMP trong sản xuất thực phẩm chức năng nhằm cho ra đời những dòng sản phẩm thực phẩm chức năng cao cấp, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Từ năm 2011, IMC đã triệt để áp dụng nguyên tắc GMP trong sản xuất thực phẩm chức năng và trở thành đơn vị sản xuất thực phẩm chức năng đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng chỉ này.
IMC với các thế mạnh về đội ngũ nhân sự, cơ sở hạ tầng nghiên cứu, sản xuất, chính sách chất lượng… đang sẵn sàng gia nhập thị trường Quốc tế. Với IMC, cạnh tranh cũng là động lực để doanh nghiệp tự đổi mới và nâng cao năng lực để phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, cạnh tranh cũng giúp đào thải những doanh nghiệp yếu kém và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.