Định nghĩa về Quản trị sản phẩm thực phẩm chức năng
Nhiều người vẫn thường có câu hỏi thắc mắc, nghiên cứu phát triển là làm gì? Quản trị sản phẩm thực phẩm chức năng làm gì? hay nghiên cứu bào chế làm gì? Hiểu theo đúng nghĩa đen, nghiên cứu phát triển chính là nghiên cứu sản phẩm mới và phát triển sản phẩm cũ theo hướng cải tiến tốt hơn. Ngoài các ý chính trên, người làm nghiên cứu còn phải nắm bắt xu thế thị trường, dựa vào đánh giá thị trường để cho ra đời sản phẩm mới hay cải tiến sản phẩm cũ.
Tại Công ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế (IMC) , Phòng Nghiên cứu phát triển theo nhân sự chia làm 2 mảng công việc chính: Quản trị sản phẩm thực phẩm chức năng (quản trị để đưa sản phẩm từ khâu nghiên cứu đến khi ra thị trường) và Nghiên cứu bào chế.
Quản trị sản phẩm chúng tôi đang thực hiện các công việc như lên kế hoạch ra hàng cho sản phẩm mới, tìm hiểu và xây dựng tiêu chuẩn cho các nguyên liệu đầu vào của sản phẩm, xây dựng và đăng ký hồ sơ cho sản phẩm, phối hợp cùng nhà phân phối thiết kế bao bì cho sản phẩm, tìm hiểu bệnh học đánh giá sản phẩm… Nghiên cứu viên thực hiện các công việc như xây dựng quy trình bào chế, thực hiện bào chế và theo dõi độ ổn định sản phẩm nghiên cứu, theo quy trình sản xuất tại nhà máy và thực hiện chuyển giao công nghệ. Các công việc bắt buộc phải đòi hỏi tính chính xác và cụ thể và theo đúng quy trình vì sản phẩm và dịch vụ đầu ra của nghiên cứu phát triển là đầu vào của các phòng ban khác trong chuỗi quá trình ra hàng, một sai sót nhỏ của Nghiên cứu phát triển sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chất lượng sản phẩm phía sau. Nếu như người bào chế chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thì người quản trị sản phẩm là người chịu trách nhiệm về tính pháp lý và toàn bộ các cam kết với khách hàng về sản phẩm.
Mô tả công việc cho vị trí Quản trị sản phẩm thực phẩm chức năng
Người quản trị sản phẩm thực phẩm chức năng không chỉ lập kế hoạch ra hàng cho sản phẩm mà còn phải theo sát và am hiểu sản phẩm mình phụ trách. Sản phẩm này có những thành phần là gì, tại sao lại sử dụng thành phần đó, phương pháp kiểm nghiệm nguyên liệu đó, từ thành phần như vậy, công dụng của sản phẩm là gì, đối tượng nào được sử dụng sản phẩm, đối tượng nào không được sử dụng sản phẩm, cách dùng sản phẩm như thế nào…
Phối hợp với nhà phân phối tìm hiểu bao bì và thiết kế sản phẩm để đảm bảo bao bì phù hợp với pháp lý và quy định của nhà nước. Đồng thời bao bì cũng phù hợp với dạng bào chế sản phẩm, quản trị sản phẩm phối hợp cùng nghiên cứu viên bào chế mẫu và theo dõi để đảm bảo mẫu luôn ổn định trong chất liệu bao bì đã chọn.
Quản trị sản phẩm thực phẩm chức năng cũng là người thực hiện việc viết hồ sơ và phối hợp đăng ký hồ sơ. Là đầu mối trao đổi thông tin giữa Cục An toàn thực phẩm. Là đầu mối trao đổi các mong muốn của khách hàng với khả năng đáp ứng của công ty về sản phẩm và đảm bảo chất lượng đầu ra sản phẩm.
Theo sát sản phẩm và giải quyết các sự không phù hợp xảy ra trong quá trình ra hàng cũng là công việc chính mà quản trị sản phẩm phối hợp cùng các phòng ban khác giải quyết, đưa ra hành động khắc phục phòng ngừa, đảm bảo sự không phù hợp không lặp lại ở lần sau hoặc cho các sản phẩm tương tự.
Trong quá trình làm việc của mình, chuyên viên Quản trị sản phẩm thực phẩm chức năng đã có nhiều bài học và cũng phải trả giá bằng cả giá trị vật chất. Nhưng hơn hết, sau những bài học đắt giá đó chúng tôi đã thu được kinh nghiệm làm việc quý báu để không lặp lại sự không phù hợp lần nữa. Cả hai mảng quản trị công việc và nghiên cứu bào chế đều là 2 mảng quan trọng, mỗi công việc có một tính chất khác nhau nhưng đều hướng vào mục tiêu chung, tạo ra sản phẩm chất lượng, ổn định và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.